Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Kinh nghiệm chọn bơ ngon không ngâm hóa chất




Người ta cho bơ vào ngâm hóa chất để bơ non chín đều, màu đẹp, không bị tình trạng chín đầu, thối đuôi. Điều này cực kỳ nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng. Để có thể chọn được bơ ngon, không bị ngâm hóa chất, các bạn có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau đây.
  • Bơ mua về dù đã mềm tay nhưng khi ăn vẫn cảm giác bị đắng là bơ non hoặc có thể là bơ ngâm hóa chất.
  • Bơ ngâm hóa chất thường rất sượng, không mịn như bơ chín cây.
  • Nếu lõi cuống có màu xanh mà quả bơ đã mềm tay rất có thể là bơ còn xanh, chín do ngâm hóa chất.
  • Để nhận biết bơ non hay già, hãy nhìn vào phần cuống. Cuống có màu nâu sậm là bơ đã chín quá, rất dễ bị nẫu. Còn lõi cuống bơ có màu hơi vàng chứng tỏ quả bơ vừa chín tới, rất ngon.
  • Chọn những quả bơ có phần vỏ căng bóng nhưng vẫn hơi sần sùi, bóp nhẹ thấy hơi mềm, cầm chắc tay và không ọp. Đó là những quả bơ chín tự nhiên.
  • Bấm nhẹ vào cuống bơ, thấy hơi mềm tay thì chọn.
  • Lắc nhẹ thấy có tiếng kêu lúc lắc là bơ chín, do phần hạt đã tách khỏi thịt. Nhưng nếu tiếng lắc quá rõ thì quả bơ đó có phần thịt mỏng.

  • Chọn những quả bơ có dáng thuôn dài thì hạt sẽ nhỏ, phần thịt dày còn những quả có dáng tròn thường hạt to, ít sơ.
  • Chọn quả bơ vỏ màu xanh, khi chín có màu xanh sáng, bóng, lấm tấm điểm vàng.

Tiêm thuốc an thần cho heo


Việc tiêm thuốc an thần cho heo là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm tổn hại sức khỏe người tiêu dùng, đe dọa ngành chăn nuôi.

Việc cơ quan chức năng phát hiện hơn 5.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại một lò mổ lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh đã gây phẫn nộ cộng đồng mạng. Vậy vì sao các thương lái lại sử dụng thứ thuốc gây hại sức khỏe người tiêu dùng này?
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hơn 5.000 con lợn nằm la liệt trong lò mổ lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh là do bị tiêm thuốc Combistress. Đây là thuốc có chứa Acepromazine và Atropin, có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, chống căng thẳng, chống ói mửa. Loại này thường được sử dụng làm thuốc tiền mê trong các ca phẫu thuật.

Theo khuyến cáo chung, phải ngưng dùng thuốc này trong vòng 5 - 7 ngày trước khi xẻ thịt con vật thì mới đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Còn khi heo được tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ, lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cụ thể, nếu ăn phải thịt heo được tiêm thuốc an thần sẽ bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, run chân tay, thay đổi huyết áp, nhức đầu, chóng mặt, tăng cân, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt...
Đặc biệt, khi lượng thuốc này tồn đọng lâu ngày trong người sẽ có nguy cơ gây mục xương, ung thư tủy, giảm hồng cầu rất nguy hiểm.
Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với người già và trẻ em.
Mặc dù những tác hại trên của thuốc an thần đối với sức khỏe con người khi sử dụng thực phẩm có chất này đã được cảnh báo và cấm sử dụng trong hơn 2 năm qua, kể từ khi phát hiện thương lái sử dụng thuốc an thần Prozil, Combistress, vậy nhưng các chủ lò mổ vẫn tiếp tục sử dụng với quy mô lớn.
Đó là bởi khi heo được tiêm thuốc Combistress vào trước khi giết mổ sẽ làm cho thịt có màu sắc thật bắt mắt, đỏ tươi hơn bình thường, luôn tươi dẻo - hình thức sản phẩm thịt được người tiêu dùng ưa chuộng.
Do đó, đây cũng là cách nhận biết thịt có tiêm thuốc an thần: luôn đỏ tươi như thịt bò, miếng thịt ướt và khi chế biến thịt ra nhiều nước.


Nguồn: Tổng hợp

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Mứt tết bẩn

TP.HCM: PHÁT HIỆN 5 TẤN MỨT TẾT BẨN TỪ TRUNG QUỐC CHUẨN BỊ BÁN RA DỊP TẾT 2018

Nguồn: VTC

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Hóa chất để 'thúc' sầu riêng chín nhanh độc hại đến mức nào?




Muốn giữ cho trái cây lâu héo, thối, hay muốn kích cho chúng chín nhanh, có màu đẹp, người bán đã sử dụng hóa chất mà không lường trước sự nguy hiểm đối với sức khỏe.
PGS.TS. Vũ Đặng Hoàng, Bộ môn Hóa phân tích và Độc chất, Đại học Dược Hà Nội, sẽ giúp độc giả hiểu rõ vấn đề này hơn.

“Tẩm” để tươi lâu

Các loại trái cây như lê, táo...  mua về rồi để cả vài tháng trong điều kiện tự nhiên mà không bị héo, hư hỏng là hiện tượng rất thường gặp. Vậy làm thế nào mà chúng lại có thể tươi lâu đến vậy?
Theo PGS.TS. Vũ Đặng Hoàng, ethylen  được coi là hormon thực vật thúc đẩy quá trình chín nhanh của trái cây sau khi thu hái. Muốn bảo quản được trái cây tươi lâu mà vẫn giữ được hương vị màu sắc, người ta phải sử dụng các hóa chất có khả năng kìm hãm quá trình sản sinh ethylen hoặc ngăn cản sự gắn kết của ethylen với thụ thể của nó.
Ở các nước phát triển, các hóa chất loại này có thể được sử dụng trước khi thu hoạch như aminoethoxyvinyl-glycin (ReTrain) hoặc sau thu hoạch như 1-methylcyclopropen (EthylBloc). Theo phân loại, đây là các chất thuộc nhóm điều hòa sinh trưởng. Tuy nhiên, hiện chúng vẫn chưa được liệt kê trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép ở Việt Nam.
Chính vì vậy, hiện tượng trái cây được giữ tươi lâu, thậm chí là 4-6 tháng chỉ có thể do trái cây được tẩm ướp với các hóa chất cấm sử dụng như: thuốc diệt cỏ CO 2,4D, hóa chất có gốc clo. Đây là các chất giúp tiêu diệt các loại vi sinh vật bám vào trái cây. Nếu nhúng vào dung dịch các chất này, trái cây không những bảo quản được lâu hơn mà còn có vẻ ngoài cứng hơn, tươi hơn.

“Thúc” cho mau chín

Trái với việc cần giữ tươi lâu, thì một số loại trái cây lại được thúc chín ép hàng loạt, như: mít, sầu riêng... Khi được sử dụng hóa chất thúc chín thì các loại quả này cũng có mùi thơm, nhưng khi ăn thì thấy sượng và vị không ngọt.
PGS. Hoàng cho biết, dung dịch dùng để thúc chín ép trái cây có chứa carbendazim và tebuconazol. Đây là hai chất được dùng chủ yếu để trị nấm bệnh trên cây trồng. Muốn cho chuối, xoài, đu đủ... chín vàng đồng đều, căng mọng, màu sắc hấp dẫn hơn trái cây thông thường... thì chỉ cần một chút hóa chất “hoa quả thúc chín tố”. Hoạt chất trong “hoa quả thúc chín tố” chính là ethrel (ethephon).
Đây là hợp chất photpho hữu cơ có trong danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng ở Việt Nam nhưng chỉ được dùng để kích thích mủ cao su. Hoạt chất này cũng có trong thành phần của đất đèn (trước đây vẫn thường được sử dụng để dấm trái cây).
Tại Mỹ, chất này đã được Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) phân loại thuộc nhóm chất điều hòa tăng trưởng cho phép sử dụng với liều lượng thích hợp để dấm trái cây như cà chua, dâu, táo...

Hại gì khi lạm dụng hóa chất này?

PGS. Hoàng cho biết, các loại hóa chất vừa nêu trên đều không được sử dụng trong việc thúc chín hoặc ủ để tươi lâu cho trái cây, bởi nó gây độc hại không chỉ cho sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây hại cho môi trường.
Carbendazim phá hủy quá trình tháo nếp gấp của nhiễm sắc thể có thể gây ung thư và vô sinh. Tebuconazol cũng đã được FDA đưa vào danh sách các chất gây ung thư.
Với cách quét trực tiếp ở dạng dung dịch đậm đặc lên cuống trái cây, các chất này chắc chắn sẽ vẫn còn dư lượng để gây ra ngộ độc mạn tính với người ăn. Căn cứ theo tiêu chuẩn Đài Loan, dư lượng carbendazim trên sầu riêng cho phép là 1mg/kg.
Mặc dù dư lượng carbendazim trong phần cơm của sầu riêng có thể nằm dưới giới hạn cho phép nhưng điều này không có nghĩa là an toàn tuyệt đối với những người thường xuyên ăn sầu riêng do chất này có khả năng tích lũy dần trong cơ thể gây đột biến tế bào, phát triển khối u. Chất này cũng có thể khiến phụ nữ sinh con quái thai.
Việc dấm hoa quả bằng ethrel có thể được xem là an toàn nếu sử dụng ethrel có độ tinh khiết cao, theo đúng các chỉ dẫn về thời gian và liều lượng. Về mặt độc tính, chất này có thể gây cảm giác khát nước, khó nuốt, nôn mửa, ngứa rát ở miệng, cổ họng, mũi, xót da và mắt. Tuy nhiên, nó không được xếp vào nhóm các chất gây ung thư cho người.
Căn cứ trên việc khảo sát dư lượng ethrel trong thực phẩm, Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ (US-EPA) đã quy định mức hấp thụ hàng ngày cho phép với ethrel là 0,05mg/kg thể trọng và liều lượng nền (liều lượng ước tính tiếp xúc của con người trong một ngày mà không xảy ra bất kỳ nguy cơ nào cho sức khỏe suốt cả đời) là 0,005mg/kg thể trọng/ngày.
Tuy nhiên, PGS. Hoàng cũng cảnh báo, việc bơm trực tiếp ethrel vào trái cây (như mít) cần phải được nghiêm cấm do nó có thể gây tồn dư cục bộ ethrel làm ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng. Nếu thường xuyên ăn phải trái cây có tiêm chất này, ethrel sẽ bị tích tụ, làm tổn thương gan, thận và có thể gây ra các bệnh nguy hiểm. Để hạn chế hấp thu dư lượng ethrel, trái cây trước khi ăn nên được gọt vỏ.

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Bình Thuận: Phát hiện cơ sở sản xuất đậu hũ bằng thạch cao


Ngày 30.9, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cho biết, tổ công tác liên ngành Bình Thuận bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất chế biến đậu hũ của ông Phạm Hồng Thái ở thôn Thắng Thuận, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc vào ngày 29.9 và phát hiện quả tang cơ sở này sử dụng bột thạch cao làm phụ gia chế biến.
    Ông Thái đã thừa nhận với tổ kiểm tra là cơ sở của ông đã sử dụng thạch cao làm phụ gia sản xuất đậu hũ, để miếng đậu đẹp, cứng và nặng.
    Tổ kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm là 24 kg thạch cao loại dùng trong công nghiệp, xây dựng.
    Được biết, cơ sở sản xuất của ông Thái hoạt động hơn 1 năm nay. Sản phẩm làm ra cung cấp cho thị trường thành phố Phan Thiết. Những ngày rằm và mùng một âm lịch hằng tháng thì cơ sở này sản xuất với sản lượng gấp 2, 3 lần so với ngày thường. Ngoài ra cơ sở sản xuất của ông Thái cũng không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.


    Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Sức, Trưởng Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: thạch cao dùng trong công nghiệp thành phần chủ yếu là canxi sunfat không tinh khiết chứa nhiều tạp chất, trong đó có các kim loại nặng như chì (Pb), cadimi (Cd)… rất độc hại cho sức khỏe. Mặt khác, khi lượng lớn thạch cao vào trong cơ thể, hệ thống tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi lớp thạch cao bám vào thành ruột gây rối loạn hệ tiêu hóa. Nếu sử dụng đậu phụ chứa hàm lượng cao thạch lớn sẽ dẫn đến các bệnh về thận.

    Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

    Những bữa ăn khiến loài người đang "chết dần chết mòn"


    Không phải thuốc lá và tình trạng ô nhiễm không khí, nguy cơ nào đang gây ra nhiều ca tử vong sớm nhất trên toàn cầu? Theo nghiên cứu của Viện Số liệu và đánh giá sức khỏe Hoa Kỳ (IMHE), thủ phạm nguy hiểm nhất đang giết chết chúng ta lại chính là chế độ ăn uống nghèo nàn.
    Theo đó, chỉ riêng những chế độ ăn nhiều thịt đỏ và đồ uống có đường đã liên kết với 21% các ca tử vong sớm trên toàn cầu. Ngoài ra, thiệt hại sức khỏe còn xuất hiện từ những chế độ ăn ít trái cây, rau quả, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám và quá nhiều muối cũng như cholesterol.
    Nghiên cứu của IMHE xem xét 14 yếu tố nguy cơ liên quan đến chế độ ăn uống. Theo đó, tích lũy trong một giai đoạn dài, ăn uống không lành mạnh: bao gồm chế độ ăn ít trái cây, ngũ cốc nguyên cám, rau và chế độ ăn nhiều thịt đỏ hay các loại đồ uống có đường đang gây ra nhiều cái chết hơn bất kể một yếu tố nào khác. Nó đang gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như thiếu máu đến tim, đột quỵ và tiểu đường.
    Được công bố trên tạp chí Lancet, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ những năm 1990 đến năm 2013 của 188 quốc gia. Dữ liệu này bao gồm hơn một nửa số ca tử vong xảy ra trên toàn cầu và một phần ba những trường hợp sức khỏe yếu kém, có liên quan đến những yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa.
    Điều đó chỉ ra rằng chúng ta có thể cứu sống rất nhiều người và cải thiện tình trạng sức khỏe toàn cầu nếu có được những giải pháp tốt. "Khả năng cao, chúng ta có thể cải thiện sức khỏe bằng cách tránh những rủi ro nhất định như hút thuốc và chế độ ăn uống nghèo nàn, bên cạnh đó là giải quyết các rủi ro về môi trường như ô nhiễm không khí", Giám đốc IHME, Tiến sĩ Christopher Murray cho biết.
    Nhưng đó sẽ là một thách thức lớn dành cho những nhà hoạch định chính sách. Các tác giả kêu gọi phải có nhiều giải pháp hơn nữa để ngăn chặn các trường hợp tử vong và bệnh tật gây ra bởi các yếu tố nguy cơ. "Việc đánh giá toàn tiện các yếu tố nguy cơ trong nghiên cứu đã cho chúng ta thấy rõ đâu là những nơi mà các chương trình phòng ngừa nên nhắm tới", các tác giả viết.
    Nghiên cứu này cũng xem xét đến các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa, chưa đủ để gây ra cái chết, nhưng là nguyên nhân của tình trạng sức khỏe yếu kém.Nhìn chung, các yếu tố nguy cơ hàng đầu cũng vẫn là cao huyết áp, hút thuốc và béo phì. Nhưng chúng có sự thay đổi qua từng vùng địa lý trên thế giới.
    Ở các nước Mỹ Latinh và Trung Đông, béo phì là nguy cơ cao nhất đối với tình trạng sức khỏe yếu kém. Khu vực Nam và Đông Nam Á, ô nhiễm không khí trong nhà là nguy cơ hàng đầu. Trong đó, Ấn Độ đang phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất liên quan đến thiếu nước sạch và suy dinh dưỡng ở trẻ em. Ở Nga, rượu là nguy cơ đứng thứ 2. Hút thuốc lá là nguy cơ gây ra tình trạng sức khỏe yếu kém ở nhiều quốc gia thu nhập cao.
    Qua nghiên cứu của mình, các nhà khoa học kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới phải có những hành động cụ thể nếu muốn nâng cao tình trạng sức khỏe quốc gia và toàn cầu:
    "Chúng ta cần phải tập trung vào việc giảm thiểu những rủi ro cho công dân từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Chẳng hạn như hành động trên chế độ ăn uống nghèo nàn và mức độ hoạt động thể chất thấp", Tiến sĩ Ivy Shiue, đồng tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Northumbria cho biết. "Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn".
    Theo Trí Thức Trẻ

    Cách nhận biết thực phẩm “tắm” chất vàng ô gây ung thư

    Để phân biệt được thực phẩm nhuộm chất vàng ô gây ung thư, bạn có thể dựa vào các dấu hiệu dễ nhận biết dưới đây.

    Măng tươi là một trong những thực phẩm được phát hiện nhuộm chất vàng ô. Dựa vào cảm quan, bạn cũng có thể nhận biết đâu là măng thường và đâu là măng nhuộm vàng ô.


    Măng thường có màu vàng nhạt, ngâm trong nước qua đêm sẽ hơi thâm và ngả xám. Trong khi đó, măng nhuộm vàng ô có màu vàng óng rất nổi bật, khi ngâm vào nước thì nước cũng ngả màu vàng.


    Măng tươi khá dai và khó bẻ gãy trong khi măng được ngâm vàng ô thường giòn và dễ bẻ gãy thành từng đoạn.
    Măng tươi có mùi chua đặc trưng, nước luộc măng cũng có vị hơi chua trong khi đó măng ngâm hóa chất thường mất mùi măng, có mùi hắc và không có vị chua. Ngoài ra, măng tươi sau khi chế biến chín thường có màu vàng tươi hơn măng sống. Ngược lại, măng tẩm hóa chất sau khi chế biến thường có màu nhợt nhạt, vỏ ngoài vàng hơn ruột.

    Thịt gà cũng là loại thực phẩm thường được người bán hàng nhuộm vàng ô để có màu vàng bắt mắt. Đối với gà chế biến sẵn, bạn nên chọn mua những con gà có da màu vàng nhạt tự nhiên với phần cánh, ức và cổ có màu vàng đậm hơn so với thân gà. Da gà sạch thường mịn, thân vàng hoặc nhạt đều, không có vết tụ máu, ấn tay vào có sự đàn hồi.


    Để biết được gà cúng có được tẩm hóa chất khi luộc hay không, bạn vắt một chút nước cốt chanh hoặc nước muối lên thân gà.
    Nếu gà bị nhuộm hóa chất thì da gà sẽ đổi màu, không còn màu vàng đều óng ả như tự nhiên nữa.


    Bạn cũng có thể nhận biết thịt gà nhuộm vàng ô thông qua lớp mỡ dưới da gà. Thịt gà sạch thường có mỡ màu vàng óng hoặc nhạt màu tùy thuộc vào độ già hoặc màu da thật của con gà. Nếu lớp mỡ nhợt nhạt, xỉn màu mà phần da vẫn vàng óng ả tươi tắn thì rất có thể phần da đã được nhuộm hóa chất để trông đẹp mắt hơn.
    Bên cạnh đó, loại gà được cho ăn chất vàng ô để có màu da vàng đều đẹp tự nhiên cũng không có được lớp mỡ vàng óng ả đặc trưng mà thường có màu trắng hoặc nhợt nhạt.


    Nguyên An (TH)




    Các chất nhuộm màu thực phẩm

    Auramine O được xếp vào nhóm tác nhân gây ung thư số 1 – chắc chắn gây ung thư cho người bị phơi nhiễm. Tuy nhiên, chất này có mặt trong nhiều thực phẩm với công dụng "làm đẹp".

    Auramine O - chất cấm chắc chắn gây ung thư trong măng khô, dưa muối
    Bệnh ung thư đang gia tăng nhanh chóng ở nước ta. Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới năm 2010 mỗi năm nước ta có khoảng 126 ngàn người mới mắc bệnh và khoảng 94 ngàn người chết vì ung thư.
    Bên cạnh các nguyên nhân được chỉ ra trong báo cáo của WHO như hút thuốc lá, rượu, viêm gan virus và ô nhiễm khói, bụi [1] các nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu của Việt Nam cũng đã chỉ ra nghi vấn về các chất gây ung thư có mặt trong thực phẩm bẩn.
    Đặc trưng nhiễm chất gây ung thư trong thực phẩm có lẽ chỉ có ở Việt Nam, Trung Quốc [2] do sự buông lỏng quản lý của nhà nước đối với các hóa chất độc hại cũng như quá trình nuôi, trồng, sản xuất và chế biến thực phẩm.
    Sự buông lỏng này dẫn tới việc người dân cố tình gây bẩn thực phẩm bằng những phương thức chế biến và bảo quản thực phẩm không an toàn.
    Một trong những phương thức đó chính là việc sử dụng các chất tạo màu cho thực phẩm. Vì vậy, nội dung bài này chủ yếu tập trung vào khả năng gây ung thư của các chất tạo màu thực phẩm.
    Nổi trội trong các thông tin báo chí gần đây là các vụ việc bắt được các cơ sở sử dụng chất vàng ô (Auramine O) để làm cho măng hoặc dưa muối có màu vàng, đẹp.
    Tuy nhiên chất Auramine O lại là một chất cực kỳ nguy hiểm. Liều độc gây chết 50% của Auramine O trên động vật nằm trong khoảng 135 mg/kg trên chuột cống và 300 mg/kg trên chuột nhắt [3].
    Còn với liều ít, phơi nhiễm lâu dài như trong trường hợp ăn phải một lượng nhỏ trong thực phẩm được nhuộm bằng Auramine O thì nguy cơ ung thư là hiện hữu.
    Auramine O được xếp vào nhóm tác nhân gây ung thư số 1 – tức là nhóm chắc chắn gây ung thư cho người nếu bị phơi nhiễm [4].
    Auramine –O là tác nhân gây ung thư bàng quang trên người bị phơi nhiễm và gây ung thư gan trên chuột cống, chuột nhắt, ung thư bạch cầu trên chuột nhắt [5].
    Chất tạo màu nằm trong danh mục cho phép sử dụng cũng có nguy cơ gây ung thư
    Nhóm chất tạo màu nằm trong danh mục được phép sử dụng cũng có nguy cơ đáng kể gây ung thư. Bảng phân loại và đánh giá các mối nguy hại của chất tạo màu thực phẩm đã chỉ rõ như sau [6]:
    1. Chất tạo màu xanh nước biển 1 (Blue 1): Không tìm thấy bằng chứng độc trên chuột cống, nhưng một nghiên cứu không được công bố thì cho rằng nó gây ra khối u ở thận của chuột nhắt và có thể gây ra tổn thương ở tế bào thần kinh.
    Chất này có thể gây chứng tăng động cho trẻ nhỏ.
    2. Chất tạo màu xanh nước biển 2 (Blue 2): Không được sử dụng làm chất tạo màu thực phẩm vì gây u thần kinh đệm trên chuột cống.
    3. Chất tạo màu đỏ da cam 2 (Citrus 2): Là chất được phép sử dụng làm đẹp vỏ cam, quýt nhưng cấm dùng trong gia vị thực phẩm thì gây ngộ đọc cho chuột và đặc biệt là gây ra ung thư bàng quang và có lẽ là một số cơ quan khác.
    4. Chất tạo màu xanh lá cây 3 (Green 3): Mặc dù được cơ quản quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) đánh giá là an toàn nhưng nó cũng có khả năng gây ra ung thư bàng quang và tinh hoàn trên chuột.
    5. Chất tạo màu vàng cam B (Orange B): Mặc dù được cho phép sử dụng để tạo màu cho nước sốt, chưa tìm thấy bằng chứng có hại nhưng đã không còn được sử dụng.
    6. Chất tạo màu đỏ 3 (Red 3): Bị cấm dùng trong mỹ phẩm và thuốc bôi ngoài bởi FDA năm 1990 do gây ung thư tuyến giáp nhưng lại vẫn được phép sử dụng trong các loại thuốc uống và thực phẩm (Đây là một nghịch lý cần sửa chữa).
    7. Chất tạo màu đỏ 40 (Red 40): là chất tạo màu được sử dụng nhiều nhất. Chất này có khả năng gây ung thư hệ miễn dịch, gây mẫn cảm với một số ít người và đặc biệt là gây tăng động cho trẻ nhỏ.
    8. Chất tạo màu vàng 5 (Yellow 5): Chất này không gây ung thư trên chuột cống nhưng có khả năng gây tăng động và một số rối loạn hành vi ở trẻ.
    9. Chất tạo màu vàng 7 (Yellow 7): Chất này bị cấm dùng vì khả năng gây ung thư thượng thận và dị ứng nặng.
    Với những căn cứ trên, việc sử dụng hóa chất tạo màu tổng hợp đa số đem lại rủi ro cho người tiêu dùng đặc biệt là khả năng gây ung thư cũng như một số chất có thể gây chứng tăng động, rối loạn hành vi ở trẻ.
    Buông lỏng quản lý nhà nước cũng như sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng của chất tạo màu, người sản xuất cũng như người tiêu dùng ở nước ta đang đứng trước nguy cơ gia tăng hơn nữa các loại bệnh tật trong đó có ung thư.

    Theo Soha/Trí Thức trẻ

    Phẩm màu trong đồ uống cola gây ung thư?


    Trước thông tin phẩm màu caramel trong một số đồ uống có chứa chất gây ung thư, Cục An toàn thực phẩm đã tìm hiểu thông tin từ Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA).

    Theo thông tin chính thức từ FDA: 4-methylimidazole (4-MEI) là một hợp chất hóa học được tạo ra trong quá trình chế biến các sản phẩm thực phẩm và đồ uống. Hợp chất này được tạo ra ở dạng vết trong quá trình sản xuất một số phẩm màu caramel để sử dụng trong các loại đồ uống cola và một số thực phẩm khác.
    Dựa theo các thông tin hiện có, FDA cho rằng không có bất kỳ sự nguy hiểm tức thời hay ngắn hạn nào đối với sức khỏe con người do hàm lượng 4-MEI có trong thực phẩm do sử dụng phẩm màu caramel. Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn việc sử dụng phẩm màu caramel trong thực phẩm được an toàn, FDA tiếp tục đánh giá các số liệu về độ an toàn của 4-MEI và đánh giá lại khả năng phơi nhiễm của con người với hợp chất này khi sử dụng các thực phẩm có chứa caramel. Qua đó, nếu cần thiết FDA sẽ đưa ra các quyết định như xây dựng mức giới hạn của 4-MEI trong phẩm màu caramel. Tuy nhiên, đến thời điểm này, FDA chưa đưa ra khuyến cáo cho người tiêu dùng phải thay đổi cách sử dụng thực phẩm và đồ uống có chứa 4-MEI.
    Liên quan đến mức độ độc hại của 4-MEI, năm 2011 Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA) đã đánh giá nguy cơ của 4-MEI trong phẩm màu caramel. Năm 2012, EFSA lại tiếp tục đánh giá lại sự phơi nhiễm của người tiêu dùng đối với 4-MEI do sử dụng phẩm màu caramel và đã kết luận rằng không có mối lo ngại cho người dân Châu Âu khi phơi nhiễm với 4-MEI do sử dụng các sản phẩm thực phẩm có chứa caramel.
    Được biết, tại Việt Nam, ngày 3/12/2013 Cục An toàn thực phẩm đã công bố báo cáo của Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam liên quan đến hàm lượng 4-MEI có trong sản phẩm Coca-Cola của Công ty này. Theo đó, sản phẩm Coca-Cola sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm.
    Theo đó, Cục An toàn thực phẩm xin thông báo và sẽ liên tục cập nhật thông tin từ FDA về vấn đề này để cung cấp thông tin kịp thời đến người tiêu dùng. 
    theo Vnmedia

    Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

    Phụ gia thực phẩm

    Một số phụ gia thực phẩm hay gia vị hết sức quen thuộc như đường, muối, màu thực phẩm... cũng được cảnh báo là không tốt cho sức khỏe. Danh sách các chất phụ gia hay gia vị nên tránh không chỉ bao gồm những chất được cho rằng "có" cũng được, không cũng được" như muối diêm, bột ngọt... Điều đáng ngạc nhiên là các nhà khoa học cũng không đánh giá cao các loại gia vị cần thiết cho hương vị món ăn như đường và muối. Ngoài ra danh sách còn nối dài với những loại phụ gia thực phẩm khác.
    Chất phụ gia là gì
    Các phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị và bề ngoài của chúng. Một số phụ gia thực phẩm đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ; ví dụ bảo quản bằng làm dưa chua (với dấm), ướp muối- chẳng hạn như với thịt ướp muối xông khói, hay sử dụng điôxít lưu huỳnh như trong một số loại rượu vang. Với sự ra đời và phát triển của công nghiệp chế biến thực phẩm trong nửa sau thế kỷ 20 thì có thêm nhiều phụ gia thực phẩm đã được giới thiệu, cả tự nhiên lẫn nhân tạo.
    Đây là những chất người ta cố tình trộn thêm vào thức ăn hoặc thức uống để cho chúng khỏi bị hư thối, để kéo dài thời gian bảo quản được lâu hơn, nhưng vẫn không làm thay đổi chất lượng và hương vị của sản phẩm. Đôi khi người ta cũng sử dụng chất phụ gia để có được một tính chất mong muốn nào đó, như để cho sản phẩm được dai, được dòn, để có một màu sắc hoặc một mùi vị thích hợp nào đó hầu dễ hấp dẫn người tiêu thụ hơn! Nhờ chất phụ gia mà bánh mì có thể giữ được lâu ngày hơn mà không sợ meo mốc, bánh biscuit, céreal, chip, giữ được độ dòn rất lâu dài, củ kiệu được trắng ngần dòn khướu, jambon saucisse vẫn giữ được màu hồng tươi thật hấp dẫn, dầu ăn và margarine nhờ được trộn thêm một số chất chống oxy hóa nên không bị hôi (rancid) theo thời gian.
    Chất phụ gia có thể có nguồn gốc thiên nhiên, hay được tổng hợp hoặc bán tổng hợp hóa học (như bicarbonate de sodium), đôi khi chúng cũng được tổng hợp từ vi sinh vật, chẳng hạn như các loại enzymes dùng để sản xuất ra yogurts. Chất phụ gia cũng có thể là các vitamins được người ta cho thêm vào thực phẩm để tăng thêm tính bổ dưỡng …
    Các loại phụ gia thực phẩm điển hình thường dùng:
    + Các axít :Các axít thực phẩm được bổ sung vào để làm cho hương vị của thực phẩm "sắc hơn", và chúng cũng có tác dụng như là các chất bảo quản và chống ôxi hóa. Các axít thực phẩm phổ biến là dấm, axít citric, axít tartaric, axít malic, axít fumaric, axít lactic.
    + Các chất điều chỉnh độ chua :Các chất điều chỉnh độ chua được sử dụng để thay đổi hay kiểm soát độ chua và độ kiềm của thực phẩm.
    + Các chất chống vón :Các chất chống vón giữ cho các chất bột, chẳng hạn như sữa bột không bị vón cục.
    + Các chất chống tạo bọt: Các chất chống tạo bọt làm giảm hoặc ngăn chặn sự tạo bọt trong thực phẩm.
    + Các chất chống ôxi hóa: Các chất chống ôxi hóa như vitamin C có tác dụng như là chất bảo quản bằng cách kiềm chế các tác động của ôxy đối với thực phẩm và nói chung là có lợi cho sức khỏe.
    + Các chất tạo lượng: Các chất tạo khối lượng chẳng hạn như tinh bột được bổ sung để tăng số /khối lượng của thực phẩm mà không làm ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của nó.
    + Các chất tạo màu thực phẩm: Chất tạo màu thực phẩm được thêm vào thực phẩm để thay thế các màu sắc bị mất trong quá trình sản xuất hay làm cho thực phẩm trông bắt mắt hơn.
    + Chất giữ màu: Ngược lại với các chất tạo màu, các chất giữ màu được sử dụng để bảo quản màu hiện hữu của thực phẩm.
    + Các chất chuyển thể sữa :Các chất chuyển thể sữa cho phép nước và dầu ăn duy trì được thể hỗn hợp cùng nhau trong thể sữa, chẳng hạn trong maiônét, kem và sữa.
    + Các chất tạo vị :Các chất tạo vị là các phụ gia làm cho thực phẩm hương vị hay mùi cụ thể nào đó và có thể được tạo ra từ các chất tự nhiên hay nhân tạo.
    + Các chất điều vị :Các chất điều vị làm tăng hương vị sẵn có của thực phẩm.
    + Các chất xử lý bột ngũ cốc :Các chất xử lý bột ngũ cốc được thêm vào bột ngũ cốc (bột mì, bột mạch v.v) để cải thiện màu sắc của nó hay sử dụng khi nướng bánh.
    + Các chất giữ ẩm :Các chất giữ ẩm ngăn không cho thực phẩm bị khô đi.
    + Các chất bảo quản :Các chất bảo quản ngăn hoặc kiềm chế sự thối hỏng của thực phẩm bị gây ra bởi các hoạt động của nấm mốc, vi khuẩn hay các vi sinh vật khác.
    + Các chất đẩy :Các chất đẩy là các loại khí nén được sử dụng để đẩy thực phẩm ra khỏi đồ chứa đựng nó.
    + Các chất ổn định:Các chất ổn định, tạo đặc và tạo gel, chẳng hạn aga hay pectin (sử dụng trong một số loại mứt hoa quả) làm cho thực phẩm có kết cấu đặc và chắc. Trong khi chúng không phải là các chất chuyển thể sữa thực thụ, nhưng chúng giúp cho các chất thể sữa ổn định hơn.
    + Các chất làm ngọt :Các chất làm ngọt được bổ sung vào thực phẩm để tạo vị ngọt. Các chất làm ngọt không phải đường được thêm vào để giữ cho thực phẩm chứa ít năng lượng (calo) nhưng vẫn có vị ngọt của đường hay vì chúng có các tác động có lợi cho các bệnh nhân bị bệnh đái đường hay sâu răng.
    + Các chất làm đặc :Các chất làm đặc là các chất mà khi thêm vào thực phẩm sẽ làm tăng độ dẻo mà không làm thay đổi đáng kể các thuộc tính khác của thực phẩm.
    Tác dụng tích cực của phụ gia thực phẩm
    Nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, các phụ gia thực phẩm có tác dụng tích cực:
    1. Tạo được nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng.
    2. Giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng.
    3. Tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và làm tăng giá trị thương phẩm hấp dẫn trên thị trường.
    4. Kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm.
    Những nguy hại của phụ gia thực phẩm
    Nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe:
    1. Gây ngộ độc cấp tính: Nếu dùng quá liều cho phép.
    2. Gây ngộ độc mạn tính: Dù dùng liều lượng nhỏ, thường xuyên, liên tục, một số chất phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài.Thí dụ: Khi sử dụng thực phẩm có hàn the, hàn the sẽ được đào thải qua nước tiểu 81%, qua phân 1%, qua mồ hôi 3% còn 15% được tích luỹ trong các mô mỡ, mô thần kinh, dần dần tác hại đến nguyên sinh chất và đồng hóa các aminoit, gây ra một hội chứng ngộ độc mạn tính: ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút.
    3. Nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai, nhất là các chất phụ gia tổng hợp.
    4. Nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm: phá huỷ các chất dinh dưỡng, vitamin...
    Chất phụ gia ảnh hưởng thế nào trên sức khỏe? mối lo ngại cho nhiều người
    Tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều cho biết là người tiêu thụ rất đổi quan tâm đến sự hiện diện của các loại hoáchất độc trong thực phẩm. Không ai có thể biết được những gì sẽ chờ đợi chúng ta hai, ba chục năm sau? Những cuộc nghiên cứu về an toàn phụ gia thực phẩm đã được thực hiện nhiều trên động vật. Chúng đã chỉ ra một số chất phụ gia có thể gây ung thư. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để kết luận các chất trên cũng ảnh hưởng đến con người tương tự như đối với động vật, bởi đó vẫn là một vấn đề còn đang trên bàn tranh luận.Dẫu thế, người tiêu dùng vẫn nên biết đến danh sách các chất phụ gia được xem là nguy hiểm để hạn chế nếu có thể được.
    -Nhóm sulfite (bisulfite de potassium, sulfite de sodium, dithionite de sodium, acide sulfureux) : có thể gây khó thở, những người bị hen suyễn không nên ăn thực phẩm có chứa sulfite. Sulfite giúp thức ăn, và thức uống có màu tươi thắm hơn. Sulfite được trộn trong rau quả, quả khô (như nho khô) hoặc đông lạnh. Các loại nước giải khát, nước nho và rượu chát đều có chứa sulfite. Sulfite cũng có thể được trộn trong các loại đường dùng làm bánh mứt, trong tôm tép đóng hộp cho nó có vẻ tươi hơn và cũng tìm thấy trong các loại tomato sauce và tomato paste. Từ năm 1987, Canada đã cấm nhà sản xuất trộn sulfite trong các loại salade ăn sống, ngoại trừ nho khô.
    -Nhóm nitrite và nitrate (de sodium, de potassium) : Chúng ta thường gọi là muối diêm. Rất phổ thông để muối ướp thịt. Các chất này tỏ ra rất hữu hiệu trong việc ngăn cản sự phát triển hoặc để diệt vi khuẩn, đặc biệt là khuẩn clostridium botulinum trong đồ hộp. Ngoài tác dụng giúp sự bảo quản được tốt, nitrite và nitrate còn tạo cho thịt có màu hồng tươi rất là hấp dẫn.Thịt nguội, jambon, saucisse, lạp xưỡng, smoked meat, hot dog, bacon vv… đều có chứa nitrite và nitrate. Vấn đề lo ngại nhất là 2 chất nầy sẽ chuyển ra thành chất nitrosamine lúc chiên nướng. Nitrosamine là chất gây cancer. Hàm lượng nitrite và nitrate cho phép sử dụng trong thịt được cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canada (CFIA) quy định rõ rệt .
    -Bột ngọt (MSG, monosodium glutamate) : giúp làm tăng hương vị của sản phẩm, làm nó « ngọt» và ngon hơn! MSG được tổng hợp từ chất đạm của thịt, cá, sữa, và từ một số thực vật. Người ta gán cho bột ngọt là thủ phạm của hội chứng Cao lâu hay nhà hàng Tàu (Syndrome du restaurant chinois), nhưng thực tế lại cho thấy là bất kỳ nhà hàng Ta, Tây, hay nhà hàng Tàu đều có dùng bột ngọt hết! Có người không hạp với bột ngọt nên cảm thấy khó chịu trong người, chóng mặt, nhức đầu, khô miệng, khát nước, nóng ran ở mặt, sau ót, và ở hai cánh tay. Đôi khi có cảm giác đau ở ngực và muốn nôn mửa... Tuy nhiên, các triệu chứng trên chỉ là tạm thời, và lần lần biến mất trong một thời gian ngắn mà thôi. Tại Canada, luật lệ bắt buộc nhà sản xuất phải nêu rõ chất MSG trên nhãn hiệu của sản phẩm .
    -Aspartame (Equal, Nutrasweet) : là đường hóa học có vị ngọt gấp cả 200 lần hơn đường thường. Aspartame được sử dụng rộng rãi khắp thế giới trong bánh kẹo, yogurt, và trong các thức uống ít nhiệt năng, như Coke diète, Pepsi diète vv….Có người không hạp với chất aspartame nên có thể bị đau bụng, chóng mặt, nhức đầu vv… dư luận còn đồn rằng aspartame có thể gây cancer não, nhưng tin này chưa được giới y khoa xác nhận! Trong cơ thể, aspartame được phân cắt ra thành acide aspartique và phénylalanine. Đối với ai có bệnh PKU (phenylketonuria), là một loại bệnh rất hiếm, do sự lệch lạc của một gène khiến cơ thể không tạo ra được enzyme để khử bỏ chất phénylalanine. Chất sau này sẽ tăng lên nhiều trong máu và làm tổn hại đến hệ thần kinh trung ương.
    Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm
    1. Chỉ được phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh tại thị trường Việt Nam các phụ gia thực phẩm trong “danh mục” và phải được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền.
    2. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục trong sản xuất, chế biến, xử lý, bảo quản, bao gói và vận chuyển thực phẩm phải thực hiện theo “Quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế”.
    3. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục phải bảo đảm:
    - Đúng đối tượng thực phẩm và liều lượng không vượt quá giới hạn an toàn cho phép.
    - Đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn quy định cho mỗi chất phụ gia.
    - Không làm biến đổi bản chất, thuộc tính tự nhiên vốn có của thực phẩm.
    4. Các chất phụ gia thực phẩm trong "Danh mục lưu thông trên thị trường" phải có nhãn đầy đủ các nội dung theo quy định.
    5. Yêu cầu đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm: Trước khi sử dụng một phụ gia thực phẩm cần chú ý xem xét:
    - Chất phụ gia có nằm trong “Danh mục” hay không?
    - Chất phụ gia có được sử dụng với loại thực phẩm mà cơ sở định sử dụng hay không?
    - Giới hạn tối đa cho phép của chất phụ gia đó đối với thực phẩm là bao nhiêu? (mg/kg hoặc mg/lít)
    - Phụ gia đó có phải dùng cho thực phẩm hay không? Có bảo đảm các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn, bao gói, ghi nhãn theo quy định hiện hành không?
    Các loại chất phụ gia có hại trong thực phẩm
    Nhiều chất phụ gia có trong thực phẩm gây hại đến sức khỏe nhưng chúng ta ít khi quan tâm đến.
    Chất kháng sinh trong thực phẩm làm từ sữa
    Theo chuyên gia dinh dưỡng Ashley Koft, đồng thời là nhà tư vấn dinh dưỡng cho sê ri truyền hình thực tiễn “Shedding for the wedding” của Los Angeles (Mỹ), ngoại trừ việc ăn những thực phẩm làm từ sữa hữu cơ thì sữa, yogurt và pho mai mà mọi người đang dùng đã được chế biến từ sữa của những con bò có bơm các chất kháng sinh. Việc hấp thụ mỗi ngày loại kháng sinh trên có thể giết chết những vi khuẩn tốt ở ruột đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Các loại vi khuẩn có hại ở vùng tiêu hóa cũng sẽ làm phình và mập vòng eo. Để tránh việc ăn thực phẩm làm từ sữa có chứa hóc môn và kháng sinh, người tiêu dùng nên đọc nhãn mác ghi chú của sản phẩm trước khi dùng. Nên dùng sản phẩm từ sữa có ghi “không dùng các hóc môn và chất kháng sinh” trên bao bì.
    Những chất hóa học có trong thực phẩm đóng hộp
    Một cuộc nghiên cứu mới đây do Chương trình báo cáo người tiêu dùng (Mỹ) cho thấy 19 nhãn hiệu sản phẩm đóng hộp có chứa các chất hóa học gây ung thư vú, tiểu đường và các bệnh về tim mạch. Theo thành viên nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Urvasi Rangan, Giám đốc chính sách kỹ thuật của Liên đoàn người tiêu dùng, cho biết dù chỉ một lượng nhỏ những chất này cũng rất nguy hại. Nên tránh ăn thực phẩm đóng hộp, thay vào đó là dùng rau quả, ăn đồ tươi nếu có thể và thức ăn hâm nóng trong vật đựng bằng thủy tinh.
    Natri trong chất gia vị cho vào sà lách trộn.
    Tỉ lệ muối nhiều trong loại gia vị này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc giảm cân vì nó giữ nước và làm ta cảm thấy bị đầy hơi. Các chuyên gia khuyên chỉ nên có 1500 - 2300 mg Natri trong gia vị trên. Nhưng theo Marisa More, người phát ngôn của Ủy ban dinh dưỡng Mỹ, thì chỉ 2 muỗng gia vị này đã chứa hơn 400mg Natri. Tốt nhất là nên dùng loại gia vị này kèm với dầu ô liu hoặc giấm theo tỉ lệ 2-1.
    Một ít muối có thể thêm hương vị cho bữa ăn của bạn. Nhưng muối là một chất phụ gia khác ảnh hưởng đến sức khoẻ. Một lượng nhỏ muối thì cần cho cơ thể và có lợi cho việc bảo quản thức ăn, nhưng dùng muối vượt mức cho phép có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ của bạn, ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, tăng huyết áp, đau tim, đột quị và suy thận.
    Đường fructose trong nước uống sôđa và sản phẩm đóng gói.
    Như chúng ta đã biết, các thực phẩm và thức uống có đường luôn có khả năng tăng nguy cơ về các bệnh huyết áp. Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây của Đại học Denver cho thấy những người tiêu thụ khoảng 74mg đường mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ cao mắc bệnh huyết áp hơn những người ăn ít. Lượng đường fructose cao trong các loại nước ngọt hay bánh ngọt được cho là nguyên nhân làm giảm việc sản sinh ra oxit nitric, một loại hơi giúp các mạch máu được thư giãn và nở rộng. Nên thay những đồ ăn đó bằng trái cây hoặc dùng ngũ cốc.
    Một vài loại thực phẩm có chứa đường tự nhiên như trái cây và cà rốt. Nhưng hãy cẩn thận với những thực phẩm thêm đường vào như đồ nướng, ngũ cốc, bánh qui giòn, thậm chí là nước xốt và nhiều loại thực phẩm đã qua chế biến khác. Mặc dù không độc hại, nhưng sử dụng đường với lượng nhiều sẽ không an toàn cho sức khoẻ chúng ta. Đường không nên chiếm hơn 10% tổng lượng calori bạn tiêu thụ hàng ngày. Quá nhiều đường không chỉ dẫn đến vấn đề về trọng lượng, sâu răng, hay lượng đường trong máu tăng lên ở bệnh tiểu đường mà nó còn thay thế những chất dinh dưỡng có lợi. Để nuôi những calori không cần thiết này, cơ thể bạn cần chất dinh dưỡng để chuyển hoá đường, vì thế nó lấy đi những vitamin và khoáng chất có giá trị.
    Bột ngọt (MSG) trong các loại khoai tây chiên
    Một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí Béo phì cho biết, những người thường ăn thực phẩm chứa MSG có nguy cơ tăng cân gấp 3 lần người không ăn. Theo Tiến sĩ Koff, mọi người thường nghĩ chất này có nhiều trong món ăn châu Á nhưng thực ra nó cũng được dùng trong những gói khoai tây chiên có hương vị trên thị trường hiện nay.
    Acesulfame - K
    Đây là một loại đường nhân tạo, được cho phép sử dụng trong nước giải khát bởi Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ. Nó cũng được tìm thấy trong đồ nướng, chewing gum, các món tráng miệng. Chữ "K" trong Acesulfame - K là nguyên tố hoá học Kali, được xem là ngọt gấn 200 lần đường thường. Những cuộc thử nghiệm chất này không nhiều và Gerbstadt cũng không có chỉ định gì liên quan đến sử dụng chất này. Tuy nhiên, một vài cuộc nghiên cứu nói rằng chất này có thể gây ung thư ở chuột. Và điều làm nó nằm trong danh mục 12 chất phụ gia cần tránh là vì những cuộc nghiên cứu trong tương lai sẽ kết luận là nó có hại hay không.
    Olestra
    Olestra, một dạng mỡ tổng hợp, còn có tên Olean được tìm thấy trong một số loại khoai tây chiên, ngăn sự hấp thu mỡ của hệ tiêu hoá. Điều này thường dẫn đến bệnh tiêu chảy cấp, đầy hơi khó tiêu. "Khi bạn ăn mỡ có Olestra, lượng mỡ đó sẽ đi thẳng vào người bạn. Đáng nói hơn là Olestra ngăn sự hấp thụ tiền vitamin A là carotenoid, chất hoà tan trong mỡ, được tìm thấy trong trái cây và hoa quả. Olestra được cho là nguy cơ gây ra bệnh tim và ung thư: "Nó ngăn sự hấp thụ mỡ, nhưng đồng thời cũng ngăn sự hấp thụ vitamin". Gerbstadt nói.
    Màu thực phẩm: Blue1,2; Red 3; Green 3; and Yellow 6
    Tất cả màu thực phẩm nhân tạo độc hại đã bị FDA cấm từ lâu, nhưng có 5 loại vẫn còn tồn tại trong chợ, những chất có thể gây ra ung thư khi thí nghiệm ở động vật . "Hãy chọn những sản phẩm không có màu. Điều đó không có nghĩa là tránh mọi thứ có màu sắc. Có nhiều sản phẩm có màu tự nhiên. Nhưng một số loại phẩm màu có thể gây ra ung bướu nếu gặp điều kiện thích hợp", theo Gerbstadt. Blue 1 và 2, được tìm thấy trong những thức uống giải khát như (trà, sữa, rượu, bia...) kẹo, đồ nướng và thức ăn cho thú cưng có mức nguy hiểm thấp nhưng nó liên quan đến ung thư ở chuột. Red 3, tạo ra màu đỏ anh đào, rượu cocktail, kẹo, đồ nướng, đã được chứng minh gây ra khối u tuyến giáp ở chuột. Green 3, có trong kẹo và thức uống giải khát, dù là ít sử dụng, gây ra ung thư bàng quang. Những cuộc nghiên cứu thấy rằng yellow 6 là chất hay được sử dụng nhất để cho vào thức uống giải khát, xúc xích, gelatin, đồ nướng và kẹo. Yellow 6 có thể gây ra khối u ở thận và tuyến thượng thận.
    Potassium bromated
    Tuy hiếm gặp nhưng potassium bromated vẫn được cho phép dùng ở Mỹ như một chất phụ gia để tăng khối lượng cho bột mì, bánh mì. Hầu hết bromated phân giải thành những dạng không độc, nhưng nó được biết đến như là nguyên nhân gây ra ung thư ở động vật - thậm chí những lượng nhỏ trong bánh mì có thể gây hại cho con người. Tại Mỹ, tiểu bang California yêu cầu phải có cảnh báo về ung thư trên nhãn của sản phẩm có dùng potassium bromated.
    4 chất phụ gia trong thực phẩm gây hại cho não trẻ em
    Các nhà khoa học Anh mới nghiên cứu và phát hiện 4 chất phụ gia thường sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn sẵn cho trẻ em như kẹo, khoai tây rán đóng hộp, đồ uống và kem có thể gây tác hại đến sự phát triển của hệ thần kinh và não của trẻ. Đó là 4 hóa chất phụ gia - gồm brilliant blue E133, quinoline yelow E104, monosodium glutamate E621 (MSG) và E951 aspartame. Theo các nhà nghiên cứu, MSG được sử dụng trong khoai tây chiên, pho mát, thức ăn nhanh, M133 có trong kẹo, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, các đồ ăn tráng miệng và kem, E104 có trong kẹo, các thực phẩm muối chua và E951 được dùng trong hàng ngàn món ăn và đồ uống dành cho người ăn kiêng và kẹo.Do đó, các nhà khoa học Anh khẳng định nếu trẻ uống một cốc nước có gas và ăn một gói khoai tây chiên thì cùng lúc sẽ bị ảnh hưởng của cả 4 chất phụ gia này. Các nhà khoa học cho rằng để bảo đảm sức khỏe cho trẻ, tất cả các chất phụ gia trên và các chất phẩm màu thực phẩm không nên sử dụng trong các loại thức ăn làm sẵn cho trẻ.
    Kết luận
    Dù muốn, dù không chúng ta vẫn phải ăn, vẫn phải uống để sống và làm việc. Trong xã hội hiện nay, chúng ta không thể nào tránh khỏi hàng loạt các hóa chất độc hại trong thực phẩm được. Chính vì thế, một cách tốt hơn hết là nên cẩn thận trong ăn uống và sinh hoạt, nên điều độ và chừng mực! Hãy cảnh giác và thận trọng đối với các loại thực phẩm (khô, tươi và biến chế). Hạn chế sử dụng những loại thực phẩm sản xuất công nghiệp như các loại nước ngọt, các loại đồ hộp, vv…
    Phụ gia không phải là chất dinh dưỡng nên không có nó cũng không sao. Dù vậy, phụ gia giúp bữa ăn ngon lành hơn cũng đóng một vai trò quan trọng trong chất lượng sống của con người. Điều cần lưu ý là chỉ nên sử dụng các phụ gia từ thực phẩm tự nhiên và phụ gia đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về tính chất và độ an toàn khi đưa vào cơ thể. Với những loại phụ gia hóa học này, ngay cả khi đã được cho phép, cũng nên dùng càng ít càng tốt, và nếu không thật sự cần thiết thì không nên dùng. Thật ra, cảm giác ngon miệng với phụ gia là một thói quen, nên để hạn chế sử dụng phụ gia, thì cách đơn giản nhất là tập thói quen không sử dụng phụ gia. Với trẻ em, giai đoạn đang hình thành thói quen ăn uống, nếu không được tập quen với các thực phẩm có phụ gia, thì sẽ không có nhu cầu sử dụng phụ gia. Một ví dụ dễ thấy là các quốc gia châu Á sử dụng rất nhiều bột ngọt trong chế biến thực phẩm, nhưng các đầu bếp châu Âu lại hầu như hoàn toàn không dùng đến loại phụ gia này, và không vì vậy mà những món ăn châu Âu bị người châu Âu từ chối.
    Xét về mặt dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm hoàn toàn không cần thiết cho cơ thể hàng ngày. Thế nhưng, nếu xét về mặt văn hóa ẩm thực và công nghệ chế biến thực phẩm, phụ gia lại hầu như là thành phần không thể thiếu. Người tiêu dùng luôn đưa ra tiêu chí là thực phẩm phải có màu sắc đẹp đẽ bắt mắt, mùi phải thơm tho, vị phải đậm đà, phải dai, phải dòn… Thế là người sản xuất cứ theo các tiêu chí đó mà cải thiện thực phẩm của mình theo hướng “phục vụ tối đa yêu cầu của thượng đế khách hàng” đồng thời cũng không thể bỏ qua cái yêu cầu của chính mình là không được gia tăng chi phí sản xuất. Và kết quả là thực phẩm ngoài vai trò cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể, lại còn nhận thêm cái chức năng là đưa vào cơ thể những thứ chẳng cần thiết tí nào, thậm chí có khi còn có hại cho sức khỏe. Có cái hại thấy ngay trước mắt, nhưng cũng có cái hại xuất hiện từ từ đến hàng mấy chục năm sau, thậm chí lâu đến nỗi ngay cả “khổ chủ” cũng đã quên mất tại sao trong cơ thể mình lại tồn tại cái thứ gây bệnh đó.
    Chi cục ATVSTP (Tổng hợp)

     

    © 2013 Cảnh báo thực phẩm bẩn - Độc hại. All rights resevered. Designed by Templateism | Blogger Templates

    Back To Top